NỮ HOÀNG CỜ VUA VÀ CÁCH GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT

953

Nữ hoàng cờ vua Judit Polgár cho biết ngay từ khi sinh ra, cô được tham gia vào một dự án giáo dục đặc biệt do chính bố mẹ mình nghiên cứu.
Judit Polgár sinh ngày 23/7/1976 trong một gia đình Do Thái tại Budapest, Hungary. Cô và hai chị gái, Susan và Sofia được cha là Laszlo Polgar giáo dục ngay từ khi biết đi để trở thành những người tài giỏi. Ông Laszlo tin rằng nếu nuôi dạy đủ sớm, ông có thể biến “bất kỳ một trẻ sơ sinh khỏe mạnh nào thành người xuất chúng”.
Judit được bố và mẹ là bà Klara dạy Toán, tiếng Nga, Anh, Đức và chơi cờ vua tại nhà. Bố mẹ cô nhận rất nhiều chỉ trích từ chính quyền địa phương vì “học tại nhà không phải là cách tiếp cận kiến thức chính thống” và điều mà vợ chồng Laszlo làm đang cướp đi tuổi thơ của những đứa trẻ.
Trong ba chị em, Judit không phải tài năng nhất nhưng chăm chỉ nhất. Lên 5 tuổi, cô đã đánh bại được một người bạn của gia đình trong ván cờ mà không hề nhìn vào bàn cờ. Cô mô tả bản thân thời điểm đó bị “ám ảnh” về cờ vua khi luyện tập 6 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, Judit đã tìm thấy niềm vui tại môn thể thao này và hòa nhập được với phương pháp giáo dục của bố mẹ.
Tháng 4/1986, khi 9 tuổi, Judit lần đầu tiên tham gia một giải đấu cờ vua tại Mỹ và giành giải thường 1.000 USD, xuất hiện trên trang nhất New York Times. Thời điểm đó, cô bị công kích dữ dội và cho rằng chỉ là “một con nhóc gặp may”. Phương pháp giáo dục và lối sống của gia đình Judit cũng được báo giới bàn luận là “cực đoan và không bình thường”.
“Vốn tiếng Anh không đủ để tôi đáp trả lại hết sự cáo buộc gay gắt và vô lý đó. Tôi đã rất sốc và chỉ biết khóc trong phòng tắm”, Judit nhớ lại. Tuy nhiên, cô chưa từng một lần muốn từ bỏ cờ vua. Sự việc càng khiến Judit thêm lì lợm và khát khao chứng tỏ những gì mình có được không phải do gặp may.
Lên 10 tuổi, Judit đánh bại kiện tướng quốc tế Dolfi Drimer và tiếp tục thắng đại kiện tướng Lev Gutman sau đó một năm. Judit thống trị các giải đấu dành cho nữ mà cô tham gia và muốn thách thức bản thân tại các giải cờ vua danh giá nhất vốn chỉ dành cho nam. Lần lượt vượt qua một số thí sinh nam trong giải đấu, nhưng đối thủ của Judit luôn giải thích rằng mình không được khỏe hoặc bị đau đầu nên mới có kết quả như vậy.
Cô cũng là người trẻ nhất nhận được danh hiệu đại kiện tướng cờ vua khi mới 15 tuổi 4 tháng. Tuy nhiên, Garry Kasparov, siêu đại kiện tướng cờ vua người Nga, được ví là kỳ thủ mạnh nhất trong lịch sử nước này, từng đánh giá Judit “mạnh, có tài nhưng không giỏi lắm”.
Năm 1994, Kasparov có cơ hội tự mình kiểm tra các kỹ năng của Judit trong màn so tài với cô tại giải đấu Linares. Trận đấu gây tranh cãi khi Kasparov chạm tay vào quân mã, định tiến lên nhưng cuối cùng lại không di chuyển quân cờ này. Cuối cùng, phần thắng thuộc về Kasparov.Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, đang ngồi
“Đó là một trận thua cay đắng, tôi đã rất tức giận và khóc rất nhiều”, Judit nhớ lại. Trận thua này đã khiến cô có thành tích bết bát tại giải đấu năm 1994.
Khát khao nhận được sự tôn trọng từ các đối thủ nam và muốn khẳng định bản thân trong bảng xếp hạng những nam kỳ thủ mạnh nhất thế giới, Judit đăng ký tham gia giải “The rest of the world” năm 2002 để gặp lại Kasparov. Kết quả, cô đánh bại đại kỳ thủ lớn tuổi trong chưa đầy 25 phút và cho rằng đây là một trong những chiến thắng có ý nghĩa nhất cuộc đời mình.
Sau khi sinh con đầu lòng vào năm 2004, Judit không tham gia nhiều vào các giải cờ vua. Năm 2011, trang Business Insider dẫn lại một báo cáo trong nghiên cứu của Hiệp hội cờ vua thế giới, kết luận chỉ số IQ của Judit Polgar là 170.
Nữ kỳ thủ tuyên bố rút khỏi các giải đấu để tập trung hoạt động cho Quỹ Cờ vua Judit Polgar của mình vào năm 2014. Cô muốn sử dụng cờ vua như một công cụ dạy học và khuyến khích trẻ em, đặc biệt là những bé gái dũng cảm theo đuổi đam mê. “Tôi luôn khuyến khích những người xung quanh rằng họ hoàn toàn có thể thành công nếu làm việc và nỗ lực hết sức”, cô nói.
Ngoài ra, Judit cũng tham gia dạy trẻ em chơi cờ miễn phí tại Câu lạc bộ Marshall. “Nữ hoàng cờ vua” vẫn đang tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, đưa môn thể thao này tới mọi nơi trên thế giới.
Cha cô đánh giá, thành tích của Judit không phụ thuộc hoàn toàn vào chỉ số IQ 170 hay cơ hội giáo dục từ nhỏ. Điều quan trọng làm nên thành công cho mỗi người, không riêng Judit là sự kiên trì, lòng quyết tâm và thái độ làm việc nghiêm túc.
Còn Judit thì nhìn nhận: “Trước khi bước chân vào thế giới, bố mẹ đã quyết định tôi sẽ trở thành một nhà vô địch cờ vua”.

HLV Lê Sỹ Toàn thi đấu giao lưu đồng loạt cùng ĐKTQT  JUDIT POLGÁR tại Kỳ đài Hồ Gươm vào ngày 15/4/2018

Nguồn: Thanh Hằng(Theo All Thats Interesting, Independent, People Pill)

Nhận Xét
Chia sẻ